Người Bảo Vệ Làn Da Của Bạn

Ai cũng biết làn da có vai trò bảo vệ mọi cơ quan bên trong khỏi các yếu tố bên ngoài. Tuy vậy ít ai biết rằng làn da của chúng ta cũng có một người bảo vệ thầm lặng mà nhiều khi vô tình chúng ta đã đối xử không tốt, dẫn đến nhiều vấn đề về da.

1. Người bảo vệ thầm lặng

Dưới da có nhiều tuyến dầu (tuyến nhờn), tiết chất nhờn để giữ ẩm và giúp da không thấm nước. Không chỉ vậy, chất nhờn cùng với mồ hôi và các tế bào chết tạo thành một lớp màng mỏng có tính axit nhẹ. Lớp màng này có thể ngăn chặn hầu hết các vi khuẩn gây hại xâm nhập vào bên trong cơ thể. Người ta gọi đây là màng axit bảo vệ da (tiếng Anh là acid mantle). Trong bài viết này gọi tắt là màng axit.
Bình thường màng axit có pH từ 4.5-6.2 (trung bình là 5.5) (*). Nhờ tính axit này mà các vi khuẩn không hoạt động được. Khi chúng ta phá vỡ lớp màng này (chẳng hạn dùng xà bông có tính tẩy rửa mạnh), các vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào cơ thể. Đến đây có lẽ các chị đã hiểu vì sao người ta thường quảng cáo các sản phẩm “làm cân bằng độ pH cho da”.
Không chỉ vậy, khi màng axit bị phá hủy sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc của lớp tế bào chết bên ngoài (lớp sừng). Điều này càng khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào trong da hơn nữa.
Da chúng ta là một cấu trúc diệu kì. Nếu có quá nhiều lớp tế bào chết cũng không tốt (chưa kể nhìn rất xấu), mà nếu loại bỏ hết lớp tế bào chết thì làn da hoàn toàn không còn được bảo vệ. Đó cũng là lí do tại sao những chị nào sau đi tắm trắng bằng hóa chất thì làn da rất yếu (đã mất đi người bảo vệ), rất dễ bị bắt nắng, nám hoặc kích ứng, sưng đỏ… Hậu quả của tắm trắng không đúng cách thường là lợi bất cập hại.

2. Làm sao duy trì lớp màng axit bảo vệ da?


- Tránh dùng các loại xà phòng mạnh.
- Nếu thời tiết khô, nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên.
- Che chắn khi ra ngoài nắng.
- Dùng những sản phẩm chăm sóc da có độ pH gần với pH của da, tức pH trong khoảng 5-6.
- Chỉ rửa mặt bằng sữa rửa mặt thích hợp 1-2 lần/ngày. Sữa rửa mặt giúp làm sạch da nhưng đồng thời phá vỡ màng axit bảo vệ. Vì vậy nếu rửa mặt quá nhiều sẽ dễ gây viêm nhiễm, nổi mụn và kích ứng.

(*) Độ pH là gì


- Độ pH là đơn vị dùng để xác định tính kiềm hay axit của bất kì sản phẩm hoặc môi trường nào.
- Độ pH được chia làm 14 cấp từ 1-14. Nước có tính trung hòa vì pH=7.
- Những sản phẩm nào có pH7 sẽ có tính kiềm (pH càng lớn thì tính kiềm càng mạnh).
- Môi trường trong cơ thể chúng ta có nhiều độ pH khác nhau, chẳng hạn nước bọt hoặc máu có pH xấp xỉ 7 (trung tính), dạ dày có pH=1 (axit mạnh), còn da có pH trung bình 5.5

0 nhận xét: